Bản tin thị trường

Chuyện chưa biết về thủy thủ tàu ngầm Việt Nam

Lúc 06/02/2015

Để trở thành thủy thủ tàu ngầm, ứng viên phải vượt qua bài thử chịu áp suất 5 atmotphe, tương đương áp suất của cột nước 50 m.
 
 
Chuyến bay muộn vừa đến Nha Trang, một người đàn ông thấp đậm, rắn chắc đón chúng tôi tận sân bay. Siết tay chặt, anh giới thiệu là Nguyễn Văn Bách, thuyền trưởng tàu ngầm HQ-183 TP.HCM (thuộc Lữ đoàn tàu ngầm 189). Năm nay mới ngoài 40 tuổi nhưng anh Bách đã có hơn 24 năm trong quân ngũ.
Những vòng kiểm tra “nghiệt ngã”
Anh Bách chia sẻ, muốn gia nhập lực lượng hải quân đã ngặt nghèo, vào lực lượng tàu ngầm càng khó bội phần, bởi phải vượt qua nhiều bài kiểm tra thể lực, trình độ, kỹ năng rất nghiêm ngặt. Chỉ cần sơ sẩy một vòng là bị loại ngay.
 Tàu ngầm HQ-183 TP HCM tại Cam Ranh.
Theo Trung tá Bách, bài kiểm tra lớn nhất là ngồi thưởng thức ghế xoay 30 vòng, vừa quay xuôi vừa quay đảo chiều, sau đó đứng dậy đi thẳng một quãng, rồi ngồi làm bài test nhanh về các kiến thức. “Với bài kiểm tra khắc nghiệt này nếu đứng dậy mà đi lảo đảo, đo não đồ không ổn định sau khi thưởng thức ghế xoay thì nguy cơ bị loại rất cao. Kết quả làm bài test nhanh không đạt yêu cầu cũng nằm trong vòng nguy hiểm”- anh kể.
Màn “tra tấn” thể lực khó quên nhất là chịu áp suất 5 atmotphe, tương đương áp suất của cột nước 50 m. Với một người bình thường lặn xuống độ sâu từ 5 đến 7 m tai đã lùng bùng, thậm chí có người rỉ máu tai. Nhiều người vượt qua nhiều vòng kiểm tra nhưng với bài kiểm tra này thì khó vượt qua nổi.
Ngoài ra, môn ngoại ngữ cũng là thử thách rất lớn với nhiều sĩ quan, bởi thời gian học chỉ có hai năm nhưng yêu cầu về khối lượng kiến thức rất lớn.
Sinh nhật dưới đáy biển
Anh Bách bảo gian khổ như vậy nhưng đời lính tàu ngầm cũng có nhiều dấu ấn đặc biệt mà không phải ai cũng có được. Dấu ấn thiêng liêng trong chuyến lặn đầu tiên xuống lòng biển của anh em tàu ngầm là phải uống cạn nửa lít nước biển mà không được rớt một giọt, nếu không sẽ phải uống lại từ đầu. “Tục uống nước biển đối với lực lượng tàu ngầm như lời tuyên thệ chính thức trở thành sĩ quan tàu ngầm và trung thành khi tham gia lực lượng tàu ngầm. Tục này để ngầm hiểu vượt qua rủi ro để không phải uống nước biển thêm lần nữa và cũng nguyện cho tàu ngầm có số lần nổi, chìm ngang nhau” - Trung tá Bách chia sẻ.
 Trung tá Nguyễn Văn Bách, thuyền trưởng tàu ngầm HQ-183 TP.HCM (phải), tặng ông Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực TP.HCM, chai nước biển lấy từ độ sâu 285 m. 
Dấu ấn khó phai nhất là được tổ chức sinh nhật dưới lòng biển. Riêng anh Bách đã hai lần được làm sinh nhật tại tàu ngầm, lần đầu tiên tại biển Baltic Nga, độ sâu 50 m và lần thứ hai tại Việt Nam cũng ở độ sâu hàng chục mét.
Đại úy Hoàng Văn Đồng, phó thuyền trưởng tàu ngầm HQ-183 TP.HCM, thông tin thêm những lần sinh nhật dưới đáy biển là kỷ niệm khó quên nhất trên đời. Riêng sinh nhật thuyền trưởng ngoài quà tặng còn một giấy chứng nhận kèm lời chúc rất trang trọng, có tờ chứng nhận này sẽ rất tự hào. “Với cán bộ, sĩ quan khác thì đến dịp anh sinh nhật vẫn được tổ chức trang trọng và quà tặng dù chỉ là gói bánh, gói cà phê nhưng rất có ý nghĩa tinh thần và rất ấm áp. Đến nay đã có hàng chục sĩ quan được làm sinh nhật dưới lòng biển” - Đại úy Đồng nói.
Từ khi nhận tàu, kỷ niệm thiêng liêng nhất với lực lượng tàu ngầm là lễ thượng cờ, bởi thời khắc đó mang nhiều cảm xúc vừa tự hào vừa thiêng liêng nhưng cũng đầy quyết tâm. Anh Bách chia sẻ: “Hồi còn huấn luyện ở Nga, dù lúc đó tàu đã mang tên HQ-183 TP.HCM nhưng chưa có cảm giác thiêng liêng bằng. Khi đưa tàu về Việt Nam thực hiện chuyến đi biển đầu tiên thì cảm giác thiêng liêng, tự hào tràn ngập lòng ngực vì được làm chủ một con tàu hiện đại, vinh dự với Tổ quốc”.
Lặn sâu 285 m
Trung tá Bách trần tình trong những chuyến đi biển dài ngày anh ngủ rất ít vì dưới lòng biển mất ý niệm về thời gian đêm ngày. Anh tiết lộ ngày 6/12 vừa qua, kíp tàu HQ-183 TP.HCM do anh chỉ huy đã thực hiện cú lặn sâu kỷ lục đến 285 m trong khi trần lặn theo thiết kế của tàu HQ-183 TP.HCM, mệnh danh là “hố đen đại dương”, là 300 m khiến chuyên gia Nga cũng phải thán phục.
 
Về khẩu phần thức ăn cho thủy thủ đoàn, anh Bách cho biết chủ yếu là thức ăn khô, giàu dinh dưỡng. Sở dĩ trên tàu ngầm phải ăn khô vừa không mất nhiều thời gian chế biến, chỉ cần thêm nước nóng vào để nở ra là có thể có canh, cơm, thịt. Mặt khác, nếu tổ chức nấu nướng nhiều lượng nhiệt tỏa ra nhiều sẽ đốt cháy ôxy, tàu sẽ nóng lên, rất ngột ngạt. Thủy thủ đoàn được trang bị sách, máy xem phim… để giải trí.
Đại tá Trần Thanh Nghiêm, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tàu ngầm 189, cho biết hai tàu ngầm HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP.HCM nhận đến nay đã tròn một năm. Từ đó đến nay tàu đã thực hiện tổng cộng 16 chuyến đi, trong đó có sáu chuyến đi độc lập, 10 chuyến đi có chuyên gia Nga.
Ghế đặc biệt
Theo Đại úy Hoàng Văn Đồng, phó thuyền trưởng tàu ngầm HQ-183 TP.HCM, ghế của thuyền trưởng tàu ngầm chỉ dành độc nhất cho thuyền trưởng ngồi, không chỉ với người ngoài mà phàm là cán bộ, chiến sĩ không thể ngồi trên đó. Bởi ghế thuyền trưởng tàu ngầm xem như điều thiêng liêng, sự tôn trọng dành cho chỉ huy con tàu. Đến nay ghế thuyền trưởng tàu ngầm QH-183 TP.HCM ngoài thuyền trưởng Nguyễn Văn Bách, còn có hai lãnh đạo cấp cao vinh dự được ngồi (ảnh).
Riêng ở nước ngoài khi sĩ quan, thủy thủ đoàn tàu ngầm đến các câu lạc bộ, những người xung quanh đều nhường cho họ vị trí trang trọng.

Danh mục

Hỗ trợ online

Quảng cáo

Thống kê

Đang truy cập:  0
Hôm nay:  9
Tháng hiện tại:  5114
Tổng lượt truy cập: {total_visit}