Cục Hàng hải Việt Nam vững bước hướng tới tương lai
Lúc 02/03/2015Năm 2014, mặc dù bối cảnh chung còn nhiều khó khăn thách thức nhưng Cục Hàng hải Việt Nam đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng. Những kết quả nổi bật thể hiện trên các mặt công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án phát triển hàng hải, đảm bảo an toàn-an ninh hàng hải, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhân dịp đầu xuân Ất Mùi, phóng viên Tạp chí Hàng hải Việt Nam đã phỏng vấn Cục trưởng Nguyễn Nhật về một số nét nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Cục Hàng hải Việt Nam.
Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Cục Hàng hải Việt Nam. Trong năm 2014, công tác này được triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?
Đúng vậy, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn được Cục Hàng hải Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Cục. Năm 2014, Cục HHVN đã tổ chức triển khai 38 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), bao gồm 01 luật, 04 nghị định, 02 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 30 thông tư và 01 văn bản hợp nhất. Trong đó, có 08 VBQPPL được giao phát sinh trong năm. Kết quả 100% dự thảo VBQPPL đã hoàn thành đúng và vượt tiến độ được giao, bảo đảm chất lượng.
Cục HHVN cũng đã phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 trình Bộ GTVT tháng 10/2013, tiếp thu ý kiến thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 12/2014.
Cảng Đà Nẵng
Song song với việc xây dựng các VBQPPL, công tác tuyên truyền phổ biến cũng được triển khai đồng bộ: tổ chức 14 hội nghị phổ biến, tập huấn các quy định mới của pháp luật về hàng hải và các quy định về chủ quyền biển đảo. Đồng thời, Cục cũng thường xuyên hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong hoạt động hàng hải, đặc biệt là những vụ việc có yếu tố nước ngoài, góp phần giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.
Năm 2014, ngành Giao thông vận tải được xếp thứ nhất về cải cách thủ tục hành chính. Cục Hàng hải Việt Nam đã đóng góp vào thành tích chung đó như thế nào, thưa ông?
Công tác cải cách hành chính đã được thực hiện quyết liệt trong những năm vừa qua. Năm 2014, thực hiện chủ trương tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), Cục Hàng hải Việt Nam đã tiến hành rà soát, đơn giản hóa TTHC với kết quả đơn giản hóa đạt được 53% (đơn giản hóa 38/73 TTHC bằng các hình thức) và đề xuất rút gọn còn 60 TTHC trong lĩnh vực hàng hải.
Công tác ủy quyền, phân cấp thực hiện TTHC cũng được thực hiện triệt để, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện ủy quyền từ Lãnh đạo Cục đến các Trưởng phòng tham mưu và phân cấp từ Cục xuống các Chi cục, Cảng vụ hàng hải để thực hiện TTHC, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, hộ chiếu thuyền viên…
Về ứng dụng khoa học công nghệ trong cải cách TTHC, từ đầu năm đến nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức rà soát, đánh giá, xây dựng phần mềm áp dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 đối với 24 thủ tục thuộc nhóm đăng ký tàu biển; lập kế hoạch và tổ chức triển khai nâng mức độ dịch vụ công trực tuyến của 15 thủ tục hiện đang do Cơ quan Cục thực hiện từ mức độ 2 lên mức độ 4, hoàn thành vào tháng 3/2015 và 06 thủ tục từ mức độ 2 lên mức độ 3, dự kiến hoàn thành trong năm 2015.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã tham gia hoàn thiện quy chế vận hành Cổng thông tin điện tử quốc gia. Hiện tại, Cục đã hoàn thiện tài liệu về Quy trình nghiệp vụ và Bộ chỉ tiêu thông tin và thống nhất với Tổng cục Hải quan, hoàn thành việc xây dựng phần mềm nghiệp vụ thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng biển và kết nối với Cổng thông tin của Bộ GTVT và Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Công tác phối kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong quản lý hoạt động hàng hải đã được triển khai tích cực. Đến nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức ký quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trên cơ sở các quy chế phối hợp, các Cảng vụ hàng hải cũng đã tổ chức ký quy chế phối hợp trong thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển với các Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tại địa phương và Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực.
Được biết, trong năm qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai các tuyến vận tải ven biển; tổ chức đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển. Xin ông cho biết tác động tích cực của những hoạt động này?
Trong năm, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc chủ trương tăng năng lực vận tải đường thủy và hàng hải nhằm giảm tải cho đường bộ và kiểm soát chặt tải trọng phương tiện trong lĩnh vực hàng hải. Cục đã tham mưu tổ chức thành công 02 hội nghị Bộ trưởng đối thoại doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển, tham dự Hội nghị thúc đẩy vận tải Đồng bằng sông Cửu Long. Qua các hội nghị, đã nhận được 174 câu hỏi, kiến nghị của các doanh nghiệp. Cục Hàng hải Việt Nam đã trả lời, giải quyết trực tiếp toàn bộ nội dung thuộc thẩm quyền.
Đối với hoạt động vận tải biển nội địa, Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai triệt để chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về hạn chế tàu nước ngoài tham gia vận tải nội địa nên đã có kết quả rất tích cực: hiện đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển. Riêng đối với tàu container, sau thời gian hơn 1 năm thực hiện chính sách trên, số lượng tàu container Việt Nam vận tải nội địa đã tăng từ 19 lên trên 30 tàu. Tuy vậy, vận tải biển nội địa vẫn đang đối mặt với khó khăn về giá cước thấp, nguồn hàng khan hiếm và mất cân đối giữa hai chiều Bắc - Nam (chiều từ Bắc vào Nam chỉ đạt khoảng 60% so với chiều từ Nam ra Bắc).
Việc thiết lập tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình cho các tàu mang cấp VR-SI chuyển đổi cấp lên VR-SB và tàu VR-SB hoạt động là hết sức cần thiết, có ý nghĩa trong việc góp phần giải quyết tình trạng quá tải và tình trạng sử dụng các phương tiện chở quá tải trên đường bộ, giúp đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao tuổi thọ đường. Cụ thể, hàng tháng sẽ giảm được hàng ngàn lượt phương tiện trọng tải 30 tấn lưu thông trên các tuyến đường bộ qua các cung đường từ Quảng Ninh đến Quảng Bình và được thay bằng các phương tiện thủy…
Trong năm 2014, Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được tái khởi động và Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là hai dự án lớn được dư luận quan tâm. Tiến độ thực hiện hai dự án này hiện đang được thực hiện thế nào, thưa ông?
Đối với hai dự án trọng điểm của Ngành là Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (Dự án luồng sông Hậu) và Dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Dự án cảng Lạch Huyện), Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các ban quản lý dự án hoàn thành khối lượng công việc, thủ tục rất lớn. Đến nay, Dự án cảng Lạch Huyện triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng. Gói thầu số 6 vượt tiến độ; Gói thầu số 10 xây dựng đê chắn sóng, đê chắn cát khởi công cuối tháng 12/2014. Dự án luồng sông Hậu đã cơ bản hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu, triển khai thi công 05 gói thầu xây lắp chính của Dự án; 02 gói thầu còn lại (xây dựng bến phà Kênh Tắt và lắp đặt phao tiêu báo hiệu) sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công trong quý I/2015, đảm bảo tiến độ chung của Dự án. Tuy nhiên, một số gói thầu khi triển khai thi công chưa đạt tiến độ yêu cầu, đặc biệt là Gói thầu 10A. Cục Hàng hải Việt Nam đang tích cực thực hiện các chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải để đẩy nhanh tiến độ gói thầu và sẵn sàng chuyển giao 02 dự án về Bộ Giao thông vận tải theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải.
Thoát khỏi danh sách đen, vượt qua danh sách xám, tiến thẳng vào danh sách trắng – Đó là thành tích đáng kể của đội tàu biển Việt Nam trong năm 2014. Xin chia vui với ngành Giao thông vận tải nói chung và ngành Hàng hải Việt Nam nói riêng!
Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về “Tăng cường giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông” và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Giao thông vận tải; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông năm 2014, kết quả số vụ, số người chết và mất tích giảm mạnh 47% so với năm 2013, không có người bị thương.
Cục Hàng hải đã chỉ đạo quyết liệt các Cảng vụ hàng hải trong công tác kiểm tra tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa, tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế và tàu nước ngoài đến cảng biển Việt Nam.
Cục cũng đã phối hợp với cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp, tăng cường tuyên truyền phổ biến cho chủ tàu, triển khai kiểm tra tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế (25 Cảng vụ hàng hải đã thực hiện kiểm tra 822 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế, phát hiện 743 lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 9.309 khiếm khuyết)… Kết quả năm 2014, qua kiểm tra PSC, đội tàu biển quốc gia đạt tỷ lệ lưu giữ 3,49% (so với 5,5% mục tiêu của Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014). Với kết quả đạt được sau 03 năm (2012, 2013 và 2014), đội tàu biển Việt Nam đã thoát khỏi danh sách đen, bỏ qua danh sách xám, vào danh sách trắng của Tokyo MOU sau 15 năm Việt Nam là thành viên.
Tình hình an ninh cảng biển tiếp tục được bảo đảm, trong năm không có sự cố an ninh nghiêm trọng nào xảy ra trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn cho các tàu biển nước ngoài. Các nền kinh tế APEC và Cơ quan phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ đánh giá cao việc triển khai Bộ luật An ninh cảng và tàu biển (ISPS) của Việt Nam, tạo thuận lợi cho hàng hóa vào thị trường Mỹ, châu Âu.
Vậy phương hướng kế hoạch năm 2015 thì sao, thưa ông?
Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất các cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhưng vẫn thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành theo khẩu hiệu của toàn ngành Giao thông vận tải: Quyết liệt cải cách hành chính vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp!
Năm 2015, công tác tổ chức đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cũng sẽ được chú trọng. Về an toàn-an ninh hàng hải, Cục sẽ triển khai thực hiện quyết liệt văn bản của Ban Bí thư, Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GTVT đã ban hành về công tác ATGT, ATGT hàng hải và đường thủy nội địa, đảm bảo hoàn thành Năm An toàn giao thông 2015 và tổ chức tốt công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến kết hợp với kiểm tra giám sát các quy định pháp luật về an toàn, an ninh hàng hải đến các đối tượng liên quan trong hoạt động hàng hải.
Đặc biệt, trong năm 2015, Cục Hàng hải Việt Nam cũng sẽ xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nội dung các Phụ lục III, IV, V và VI Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm dầu từ tàu (MARPOL) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
Phát huy những kết quả đã đạt được, tập thể lãnh đạo và người lao động Cục Hàng hải Việt Nam quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015, lập thành tích chào mừng 70 năm thành lập ngành Giao thông vận tải và kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Hàng hải Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
HỒNG NHUNG (Thực hiện)
- Cục Hàng hải Việt Nam công bố quyết định của Cục trưởng bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Thông tin An ninh Hàng hải và Trưởng phòng Đăng ký tàu biển và thuyền viênNgày 02 tháng 03 năm 2015, Lúc 08:50
- Cục trưởng Nguyễn Nhật chủ trì Cuộc họp kiểm điểm công việc tháng 2 và triển khai nhiệm vụ tháng 3/2015Ngày 02 tháng 03 năm 2015, Lúc 08:47
- Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực hàng hải giai đoạn đến năm 2020Ngày 02 tháng 03 năm 2015, Lúc 08:42
- LUỒNG HÀNG HẢINgày 17 tháng 01 năm 2015, Lúc 15:57