Hoạt động

Một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải: Các giải pháp khắc phục và định hướng hoạt động trong thời gian tới

Lúc 02/03/2015

Trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại, ngành Hàng hải Việt Nam đã trụ vững, tiếp tục phát triển và đạt được một số thành tựu nhất định như lượng hàng hóa thông qua cảng tăng cán đích 370 triệu tấn, trong đó hàng container đạt trên 10 triệu TEU; công nghiệp đóng tàu đã đóng được những tàu có trọng tải lên đến 100.000 tấn và nhiều loại tàu chuyên dụng; hệ thống cảng biển Việt Nam đã đón được tàu container lớn nhất vào giao nhận hàng hóa… Công tác bảo đảm an toàn hàng hải (ATHH) năm 2014 tiếp tục thành công với số vụ tai nạn và số người chết, mất tích giảm sâu (gần 50% so với năm 2013), an ninh cảng biển tiếp tục được duy trì, đội tàu biển Việt Nam được ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU sau 15 năm.

Tuy nhiên, công tác ATHH, an ninh hàng hải cũng đang tồn tại một số bất cập, một số mặt chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển; đội tàu biển Việt Nam với tình trạng kỹ thuật còn hạn chế, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATHH. Những khó khăn khách quan và chủ quan hiện nay đang tạo ra nhiều thách thức trong công tác quản lý ATHH.

Hàng năm, trung bình có khoảng gần một trăm nghìn lượt tàu biển ra vào hệ thống cảng biển Việt Nam, sự gia tăng không ngừng của phương tiện thủy nội địa và tàu cá với hàng trăm nghìn lượt ra vào vùng nước cảng biển, hoạt động ven biển. Với  mật độ giao thông lớn trong khi cơ sở hạ tầng hàng hải chưa phát triển tương ứng cũng tạo ra nhiều thách thức trong công tác bảo đảm an toàn, trật tự trong hoạt động hàng hải.

Hoạt động hàng hải là một trong những ngành nghề vận tải đặc thù tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết nhiều biến động, diễn biến phức tạp khó lường làm cho vận tải biển càng phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro hơn. Tuy nhiên, ngành Vận tải biển vẫn là một lĩnh vực vận tải chiến ưu thế nổi trội so với các phương thức vận tải khác, sản lượng vận tải biển chiếm đến hơn 90% khối lượng hàng hóa thương mại trên toàn cầu, đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế toàn cầu. Để duy trì và phát triển bền vững loại hình vận tải này, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã nghiên cứu và liên tục cập nhật, bổ sung các quy định ATHH, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển để bảo đảm con tàu, thuyền viên luôn an toàn khi hoạt động trên biển. Vì vậy, mục tiêu bảo đảm an toàn sinh mạng con người trên biển bất cứ lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu.

Trong những năm qua, kinh tế thế giới suy thoái kéo dài đã làm cho nhiều hãng tàu trên thế giới lao đao, kể cả một số hãng tàu lớn cũng bị phá sản. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó. Khi kinh tế gặp khó khăn, nhiều chủ tàu Việt Nam rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” đứng bên bờ vực phá sản và thực tế có nhiều chủ tàu đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm an toàn cho thuyền viên, con tàu và hàng hóa trên tàu.

Trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực hàng hải, hiện nay có thể nhận diện một số tồn tại, bất cập về ATHH, an ninh hàng hải tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất: Ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông hàng hải của người điều khiển phương tiện, đặc biệt đối với ngư dân và người điều khiển phương tiện thủy nội địa khi hoạt động ven biển, trên biển còn rất thấp. Những đối tượng này, với điều kiện, hoàn cảnh thực tế hiện nay, ít được đào tạo, huấn luyện các kiến thức cơ bản về ATHH; có nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên trên sông nước và thậm chí không biết chữ, có kỹ năng sông nước rất tốt nhưng hiểu biết về những quy định của pháp luật về hàng hải còn rất hạn chế. Vì vậy, với mật độ phương tiện thủy nội địa và tàu cá lên đến hàng trăm nghìn phương tiện ra vào vùng nước cảng biển, hoạt động ven biển, trên biển đang tạo một thách thức rất lớn và tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn hàng hải. Việc phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hải, đường thủy nội địa, thủy sản và các cơ quan, đơn vị tại địa phương trong việc đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn, pháp luật hàng hải cho các đối tượng trên còn chưa tốt…

Thứ hai: Trong thời gian qua có giai đoạn đội tàu biển Việt Nam phát triển rất nóng. Với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tư nhân, gia đình phát triển nên rất nhiều người dân tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng vay ưu đãi của Nhà nước, nên một khoản tiền không nhỏ đã được sử dụng để đóng rất nhiều tàu vận tải ven biển trong giai đoạn 2006-2008. Hàng trăm con tàu mới này được tham gia vận tải đã góp phần vận chuyển một số lượng hàng hóa không nhỏ, nhưng do việc quản lý yếu kém, cộng thêm tình hình tài chính khó khăn của các chủ tàu đã làm cho tình trạng kỹ thuật của những con tàu này bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết. Chi phí khai thác đối với những tàu này quá lớn, tạo gánh nặng cho chủ tàu và không lâu sau đó những con tàu này do không được bảo dưỡng đầy đủ, bảo đảm đúng tiêu chuẩn quy định dẫn đến hoạt động lay lắt và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn cho hoạt động hàng hải. Đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế về cơ bản hiện nay đã tuân thủ đúng theo các quy định của các công ước hàng hải quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, việc đội tàu biển Việt Nam nằm trong “danh sách đen” của một số thỏa thuận vùng về kiểm tra nhà nước tại cảng biển những năm trước đây đã phản ánh khá rõ ràng, khách quan tình trạng kỹ thuật của đội tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế.

Thứ ba: Hệ thống tiêu chuẩn, quy phạm yêu cầu về kỹ thuật an toàn trang thiết bị của tàu biển hoạt động tuyến nội địa, của phương tiện thủy nội địa và của tàu cá hoạt động ven biển, trên biển còn khá thấp. Hiện nay còn có nhiều phương tiện thủy nội địa và tàu cá hoạt động với trang thiết bị an toàn rất thô sơ và lạc hậu; phương tiện liên lạc không thể trao đổi, kết nối được giữa người điều khiển phương tiện này với các cơ quan, tổ chức, tàu thuyền khác - đây là một thách thức không nhỏ đối với công tác tìm kiếm cứu nạn và phòng ngừa tai nạn đâm va trên biển.

Thứ tư: Trong tổng số hơn 500 chủ tàu, có nhiều chủ tàu chỉ quản lý một đến hai con tàu; năng lực, trình độ quản trị và sự am hiểu các quy định pháp luật về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển rất thấp, thậm chí có nhiều chủ tàu không hề có kiến thức chuyên ngành Hàng hải (chồng giám đốc, vợ kế toán và thuê một hai người làm nhân viên) tham gia trực tiếp vào quản lý và khai thác con tàu từ A đến Z nên chỉ một thời gian ngắn sau khi hạ thủy con tàu đã không duy trì được tình trạng an toàn tối thiểu theo yêu cầu.

Thứ năm: Một bộ phận không nhỏ đội ngũ sỹ quan, thuyền viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm đi biển còn hạn chế; khả năng ngoại ngữ kém nên không thể liên lạc và hiểu được các thông báo, cảnh báo hàng hải được đưa ra từ bên ngoài nên không có các hành động điều động phù hợp, hiệu quả để phòng tránh tai nạn hàng hải.

Thứ sáu: Việc thực thi công vụ của một số cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan còn chưa nghiêm, cả nể hay châm chước, có sự lơ là, chưa mẫn cán trong việc thực thi nhiệm vụ; sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc thực thi nhiệm vụ còn nhiều hạn chế nên chưa tạo được sự đồng bộ, nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp của chủ tàu và thuyền viên.

Trước tình hình đó, để triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải về công tác ATHH, an ninh hàng hải và thực hiện tốt Năm An toàn giao thông, Cục Hàng hải Việt Nam đã tập trung nghiên cứu, phân tích, nhận diện những “điểm đen” trong tai nạn hàng hải để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong công tác bảo đảm ATHH phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam. Với kết quả đạt được là số vụ tai nạn hàng hải năm 2014 đã giảm sâu kể từ năm 2012 đến nay, số người chết và mất tích cũng giảm mạnh qua các năm và năm 2014 chỉ còn 10 người chết và mất tích do tai nạn hàng hải gây ra ở Việt Nam.

Trong nhiều giải pháp đã triển khai và phát huy hiệu quả có thể kể đến một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất: Thường xuyên rà soát, cập nhật hoàn thiện các đề án, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; triển khai tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới các đối tượng liên quan ngay sau khi đề án, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để đưa ngay các quy định mới vào cuộc sống; từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật hàng hải của chủ tàu, người điều khiển phương tiện thủy…

Thứ hai: Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải và thuyền viên trong vùng nước cảng biển. Có thể nói sau khi đưa giải pháp này vào thực hiện thì trong một thời gian rất ngắn số vụ tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển đã giảm rõ rệt (trên 50% năm 2014) so với năm 2013.

Thứ ba: Tăng cường công tác kiểm tra điều kiện an toàn của con tàu trước khi tàu xuất bến một cách khoa học và phù hợp với hoạt động khai thác của tàu. Kết hợp với việc kiểm tra thực tế trên tàu là việc hướng dẫn, khuyến cáo cho thuyền viên của tàu về những quy định tối thiểu về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển giúp cho thuyền viên nắm vững các quy định về an toàn và tự tin trước việc kiểm tra nhà nước cảng biển khi tàu đến cảng nước ngoài; việc này nhằm hạn chế đội tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài và giảm nguy cơ xảy ra tai nạn hàng hải đối với tàu biển.

Thứ tư: Tích cực triển khai thực hiện việc kiểm tra tàu biển nước ngoài đến cảng biển Việt Nam theo hướng dẫn của Tokyo MOU để bảo đảm ngăn chặn, giảm thiểu các tàu biển nước ngoài không đáp ứng tiêu chuẩn hoạt động trong vùng nước cảng biển Việt Nam, góp phần giảm tai nạn hàng hải.

Thứ năm: Chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ của sỹ quan, thuyền viên đội tàu biển Việt Nam, bảo đảm từng bước có được đội ngũ thuyền viên đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu phát triển đội tàu.

Thứ sáu: Chú trọng công tác huấn luyện, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATHH và thanh tra chuyên ngành Hàng hải tại các Cảng vụ hàng hải; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ và gắn liền trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thứ bảy: Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng hải như Bộ đội Biên phòng, Cục Đường thủy nội địa, Cục Đăng kiểm… nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng nâng cao được hiệu quả quản lý Nhà nước; duy trì việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải trên biển như Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam và các lực lượng có liên quan khác của các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ tám: Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý giám sát và cải cách thủ tục hành chính cảng biển cũng là cơ sở giúp công tác quản lý về ATHH được tốt hơn.

Thứ chín: Triển khai tháng cao điểm an toàn giao thông hàng hải với chủ đề phù hợp với những vấn đề nóng cần tập trung xử lý hiện tại của Ngành để bảo đảm an toàn giao thông hàng hải và từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ tàu và thuyền viên.

Thứ mười: Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển, luồng hàng hải bảo đảm duy trì độ sâu an toàn; xây dựng, nâng cấp hệ thống trợ giúp hành hải (VTS, AIS, LRIT…).

Để bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa đối với lĩnh vực an toàn hành hải, an ninh hàng hải, trong thời gian tới Cục Hàng hải Việt Nam chú trọng vào một số công việc trọng tâm sau đây:

Thứ nhất: Trong ngành Hàng hải cần thống nhất nhận thức trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, gắn liền trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; chủ động, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông hàng hải phù hợp với từng giai đoạn, từng khu vực theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.

Thứ hai: Tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến an toàn, an ninh hàng hải vào Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản dưới luật (trong đó từng bước nâng cao tiêu chuẩn, đáp ứng quy định của các công ước hàng hải quốc tế mà Việt Nam là thành viên); tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai sâu rộng, đưa quy định pháp luật vào cuộc sống ngày sau khi Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn dưới luật được ban hành.

Thứ ba: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hàng hải như duy tu, nạo vét luồng vào cảng bảo đảm chuẩn tắc thiết kế; xây dựng, đầu tư nâng cấp hệ thống phao tiêu báo hiệu hàng hải, hệ thống VTS, AIS, khu neo đậu tránh trú bão, đóng tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ…

Thứ tư: Xây dựng đội ngũ cán bộ ATHH và thanh tra hàng hải chuyên nghiệp với phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh vững vàng đáp ứng các nhiệm vụ được giao phó; tạo dựng được đội ngũ thuyền viên có đủ về số lượng và có chất lượng chuyên môn đúng tiêu chuẩn.

Thứ năm: Tăng cường và duy trì sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác ATHH, an ninh hàng hải ở trung ương và địa phương.

Có thể nói, trong thời gian qua, hoạt động hàng hải còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Chúng ta đã phải chứng kiến nhiều tai nạn hàng hải đau lòng xảy ra gần đây như: vụ chìm phà Seoul tại Hàn Quốc, mắc cạn của tàu khách năm sao Costa Concordia tại Ý, chìm phà biển tại Hồng Kông, vụ tàu Phúc Xuân 68 chìm sau khi đâm va với tàu Nam Vỹ 69 tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam… đã làm chết và mất tích nhiều người. Điều đó cho thấy tai nạn hàng hải luôn luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bất kể ở đâu, do đó chúng ta càng phải chú trọng, luôn luôn quan tâm đến công tác này để sinh mạng con người được an toàn khi hoạt động trên biển. Với những kết quả mà ngành Hàng hải đã đạt được trong thời gian qua, với nhận thức và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác ATHH, an ninh hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông hàng hải trong năm 2015 và trong tương lai nhằm đạt được mục tiêu của Tổ chức Hàng hải quốc tế “Safer shipping and cleaner ocean” – “vận tải biển an toàn hơn và đại dương sạch hơn”.

Danh mục

Hỗ trợ online

Quảng cáo

Thống kê

Đang truy cập:  0
Hôm nay:  160
Tháng hiện tại:  1111
Tổng lượt truy cập: {total_visit}