Tin tức

Cướp biển: Họa của khu vực, cơ hội của công ty an ninh hàng hải

Lúc 21/01/2015

 

Nói về cướp biển, người ta thường nghĩ đến hải tặc Somalia ở châu Phi. Nhưng thực tế, báo cáo của Liên Hiệp Quốc từ giữa năm nay chỉ rõ, nạn cướp biển ở khu vực Đông Nam Á đang tăng và biến khu vực này trở thành một trong những nơi nguy hiểm hàng đầu thế giới đối với tàu bè.

Hàng loạt vụ cướp táo bạo xảy ra ở vùng biển Đông Nam Á đã làm tăng thêm lo ngại tuyến đường biển quan trọng hàng đầu thế giới có thể trở thành điểm nóng của tội phạm. Việt Nam là nạn nhân mới nhất, với vụ tàu VP Asphalt 2 bị tấn công vào sáng 7/12 sau khi rời Singapore trên đường về lại Việt Nam. Tàu Sunrise 689 (cũng của Việt Nam) bị tấn công hồi đầu tháng Mười.

Viện Đào tạo và nghiên cứu thuộc Liên Hiệp Quốc nêu trong báo cáo công bố hồi tháng 6/2014 về thực trạng cướp biển ở Đông Nam Á: “Số lượng các cuộc tấn công không có dấu hiệu giảm và trên đà tăng thêm”. Số vụ cướp biển ở Đông Nam Á tăng từ 46 vụ trong năm 2009 lên 128 vụ vào năm 2013.

Đồng thời, báo cáo ghi nhận, khu vực vịnh Aden và Ấn Độ Dương “giảm đáng kể về số vụ tấn công trong năm 2013, đến mức người ta có thể nói, nạn cướp biển gần như dừng lại”.

Tàu VP Asphalt bị cướp biển tấn công ngày 7/12 - Ảnh: VOV

Khi cướp biển Somalia “làm mưa, làm gió” ở Ấn Độ Dương, hàng trăm công ty an ninh hàng hải quốc tế ra đời trong bảy năm qua để cung cấp dịch vụ bảo vệ cho các công ty vận chuyển đường thủy. Giờ đây, Peter Cook, giám đốc điều hành của Hiệp hội An toàn cho ngành công nghiệp hàng hải (SAMI), cho biết: số thành viên hiệp hội giảm từ 180 công ty vào tháng 10/2012, nay còn 140. Giá thuê một đội bảo vệ dành cho một tàu cũng “rớt” thê thảm. Theo Gerry Northwood, người chỉ huy đội bảo vệ từng bắt được 13 cướp biển Somalia tấn công một tàu chở dầu năm 2012, thì từ mức giá trung bình là 40.000 USD/chuyến nay chỉ còn 18.000 - 20.000 USD/chuyến.

Trước diễn biến này của thị trường, các công ty an ninh hàng hải đang tính đến việc chuyển hướng sang vùng biển Đông Nam Á, nơi được ghi nhận gia tăng nạn cướp bóc kể cả với tàu buôn lẫn tàu cá.

Điều tra của TIME, công bố hồi tháng 7/2014 cho thấy sự tồn tại của những “ông trùm” hải tặc với thế lực lớn mạnh, thông qua sự cấu kết với viên chức địa phương. Các “ông trùm” này đảm bảo “tay chân” của họ vẫn được ăn ngon, ngủ yên sau song sắt, thậm chí chỉ phải ở tù vài tháng dù bị kết án tù vài năm.

Một tàu chở dầu đi vào Cảng Klang, Malaysia ngày 26/4/2014, sau khi xảy ra một cuộc tấn công của cướp biển có vũ trang ở eo biển Malacca. Ảnh: Reuters

Nỗ lực chống cướp biển gia tăng ở Đông Nam Á là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Cuối tháng Chín, Hoa Kỳ tham gia Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang ở châu Á (ReCAAP). Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Điều này cho phép chúng tôi hợp tác đa phương trong việc giải quyết các mối đe dọa chung của cướp biển và cướp đối với tàu thuyền tại các tuyến đường biển quan trọng của khu vực”.

Nhưng, thực tế không chỉ gói gọn trong sự phối hợp giữa các quốc gia. Eo biển Malacca, liên quan đến Malaysia và Indonesia, với vị trí địa lý phức tạp, gồm hàng ngàn hòn đảo nhỏ và lối thoát thông qua những con sông, là nơi lý tưởng cho cướp biển ẩn náu. Quý I năm nay, Indonesia chiếm 25 vụ trong tổng số 49 vụ cướp biển trên toàn cầu. Eric Frécon, giáo sư tại Học viện Hải quân Pháp, tác giả của một nghiên cứu về cướp biển Indonesia nhìn vào cơ chế phân cấp quản lý ở Indonesia và đúc kết: “Chính sách giải quyết nạn cướp biển đòi hỏi một cuộc chiến chống tham nhũng không chỉ cấp quốc gia mà còn tại từng địa phương”.

Theo TIME, AFP, Reuters, IBTime

Danh mục

Hỗ trợ online

Quảng cáo

Thống kê

Đang truy cập:  0
Hôm nay:  123
Tháng hiện tại:  1262
Tổng lượt truy cập: {total_visit}