Vũ khí Nga đang là trụ cột bảo vệ Việt Nam
Lúc 28/02/2015 Nga đang khẳng định vị thế của một quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí và Việt Nam là một trong những khách hàng quan trọng nhất.Điều này đã được công bố trong cuộc họp tại Moscow của Ủy ban về hợp tác kỹ thuật quân sự (MTC) với nước ngoài. Cùng với xuất khẩu sản phẩm, Nga còn thiết lập cả những hình thức hiệp lực khác với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật, thiết kế và sản xuất vũ khí.
Năm ngoái, Nga đã bán vũ khí được hơn 15 tỷ USD, còn có những hợp đồng đã được ký kết với giá thành 14 tỷ USD, chỉ chịu kém mỗi Mỹ và đứng trên các quốc gia khác trong top 5 là Trung Quốc, Đức và Pháp. Vũ khí Nga có ưu thế quan trọng nhất là uy tín cao, chất lượng hàng đầu nhưng giá thành lại rẻ.
Vũ khí Nga đang dần chiếm ưu thế khi trong năm 2013, các mặt hàng vũ khí của Mỹ được bán ra nước ngoài đã giảm hơn 6%, trong khi các công ty sản xuất vũ khí của Nga lại có doanh thu tăng mạnh mẽ và lọt vào 100 công ty làm ăn phát đạt nhất trên thị trường xuất khẩu vũ khí.
Hiện nay, rất nhiều mặt hàng vũ khí của Nga có doanh thu tăng vượt bậc như súng, tên lửa, các loại máy bay chiến đấu và trực thăng như Su-30, MiG-29, Mi-35… Trong kế hoạch, Nga dự kiến sẽ tăng doanh số vũ khí lên 50 tỷ USD vào năm 2020, bảo đảm duy trì vị trí đứng đầu các nước xuất khẩu vũ khí trên thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng nhận định, trong lĩnh vực hợp tác quân sự- kỹ thuật, điều quan trọng nhất là uy tín. Mức độ cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật là rất cao với hàng loạt nước đã có truyền thống và cả những quốc gia mới nổi trên thị trường xuất khẩu vũ khí. Bởi vậy, Nga cần tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh, trong đó nhấn mạnh vào uy tín.
Nga phải thể hiện như là một đối tác chắc chắn đáng tin cậy, không để việc hoàn thành nghĩa vụ của mình phụ thuộc vào bất kỳ cục diện chiến thuật hoặc bối cảnh chính trị đang diễn ra. Nga cạnh tranh một cách hoàn toàn xứng đáng và trung thực cùng với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới về sản phẩm quốc phòng.
Nga dự định đẩy tăng nhịp độ trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật. Trong kế hoạch có việc chinh phục thâm nhập những thị trường vũ khí mới, đặc biệt là các nước Mỹ Latinh, Nam và Đông Nam Á. Đồng thời, quan hệ với các đối tác truyền thống và tiềm năng sẽ được đẩy lên cấp độ mới.
Trong khoảng 5 năm vừa qua, Nga đã trở thành nước dẫn dầu trong xuất khẩu tàu chiến và tàu ngầm, chiếm 27% thị phần thế giới trong lĩnh vực này. Trong danh mục các đơn hàng xuất khẩu hàng công nghiệp quốc phòng, các hợp đồng đặt mua tàu hải quân chiếm tới 15%.
Trong bối cảnh rất nhiều trên thế giới đang chạy đua vũ trang, tăng cường chi tiêu lớn cho quốc phòng thì xuất khẩu vũ khí chính là thế mạnh của Nga. Một điểm đang khiến cho vũ khí Nga hấp dẫn nhiều nước là chất lượng đang ngày càng được nâng cao nhưng giá thành lại khá thấp, chỉ bằng một nửa so với vũ khí đồng hạng của Mỹ.
Theo Business Insider, trong khi Mỹ cung cấp vũ khí chủ yếu cho NATO và các đồng minh tại Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Saudi Arabia, thì Nga cung cấp cho các quốc gia cùng trong nhóm BRICS (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Iran, mọt số nước ở Đông Nam Á và Bắc Phi.
Tuy nhiên, ngay cả với EU vốn là đồng minh của Mỹ, giao thương vũ khí của Nga cũng khá sôi động, nhiều nước vẫn muốn hợp tác với Moscow về phương diện này. Ước tính mỗi năm EU xuất khẩu 300 triệu Euro vũ khí sang Nga và ở chiều ngược lại, nhập khoảng 3,2 tỷ Euro vũ khí từ Nga.
Vũ khí Nga có mặt ở tất cả các quân, binh chủng Việt Nam
Vị chuyên gia Igor Korotchenko – hiện đang đảm nhận cương vị Tổng biên tập tạp chí quốc phòng Nga nhận định, hiện nay không quân Việt Nam ưu tiên lựa chọn máy bay chiến đấu dòng Su của Nga để thay thế các tiêm kích đánh chặn dòng MiG mà tiêu biểu là MiG-21 đã quá già lão và cần được thay thế.
Điểm khởi đầu hợp tác không quân Việt-Nga là các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Su-27. Những máy bay này đã khiến Việt Nam rất hài lòng và những hợp đồng tiếp theo đã lần lượt được ký kết với loại máy bay hiện đại hơn là tiêm kích đa năng Su-30MK2.
Còn các tiêm kích đa năng dòng “Su” là máy bay chiến đấu hạng nặng, có thể mang được nhiều tên lửa và bom hơn và bán kính tác chiến xa hơn. Ngoài vũ khí thông thường, máy bay này được trang bị tên lửa tấn công mặt đất và tên lửa chống hạm, có thể giải quyết nhiệm vụ tấn công các mục tiêu trên biển.
Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường tranh chấp biển đảo và vùng thềm lục địa. Rõ ràng là Việt Nam đã đúng đắn khi lựa chọn máy bay chiến đấu Su-30MK2, do loại máy bay hoàn hảo này có thể giúp đất nước đạt được mục tiêu trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ lợi ích quốc gia ở phạm vi xa hơn.
Các chuyên gia Nga nhận định, tiềm năng hợp tác không quân giữa hai nước vẫn còn rất lớn khi không quân Việt Nam mới chỉ được trang bị vài chục máy bay chiến đấu hiện đại, còn hàng trăm chiến đấu cơ thế hệ cũ nữa cần phải được thay thế hoặc nâng cấp mới bảo đảm yêu cầu bảo vệ đất nước.
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã trở thành khách hàng mua sắm các phương tiện tác chiến hải quân lớn nhất của Nga. Đó không chỉ là loại tàu tấn công tên lửa “Molnya” mà cả tàu hộ vệ tên lửa “Gepard 3.9″ và tàu ngầm diesel-điện lớp “Kilo”, cũng như các tổ hợp tên lửa chống hạm bố trí ở vùng ven biển.
Hiện Việt Nam đã nhận 2 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 và Nga còn đang đóng cho Việt Nam 2 tàu hộ vệ tên lửa loại này theo hướng nâng cao năng lực chống ngầm và thiết kế thêm nhà chứa máy bay trực thăng. Ông Korotchenko cũng cho biết thêm là, máy bay trực thăng Nga đang chiếm 90% tổng số loại trang bị này của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Việt Nam cũng đang sở hữu rất nhiều tàu tên lửa project 1241 của Nga. Đầu tiên là 4 chiếc thuộc project 1241.RE Tarantul chuyển giao đầu thế kỷ 21, sau đó là 2 chiếc thuộc project 1241.8 Molniya. Đồng thời Việt Nam cũng đề nghị chuyển giao công nghệ để tự đóng lấy 6 chiếc tại nhà máy đóng tàu Ba Son.
Hiện nay, tuy Việt Nam đã đa dạng hóa lực lượng tàu nổi với việc đặt mua 2 chiến hạm Sigma của Hà Lan, tuy nhiên, cơ cấu chiến hạm mặt nước của Nga trong Hải quân Nhân dân Việt Nam vẫn nắm giữ vai trò chủ đạo, là yếu tố không thể thiếu tạo lên sức mạnh phòng thủ trên biển của Việt Nam.
Hiện nay, Nga cũng đã bàn giao cho Việt Nam 3 tàu ngầm project 636.1 lớp Varshavyanka, thuộc lớp Kilo cải tiến (Improved Kilo – theo định danh NATO) mang số hiệu HQ-182 Hà Nội, HQ-183 TP Hồ Chí Minh và HQ-184 hải Phòng. 3 chiếc còn lại là HQ-185 Đà Nẵng, HQ-186 Khánh Hòa và HQ-187 Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được bàn giao hoàn tất trong năm 2015 và 2016.
Việc sở hữu tàu ngầm Kilo đối với hải quân Việt Nam là một bước ngoặt thực sự. Tàu ngầm Kilo là một loại vũ khí “tàng hình” có khả năng tấn công toàn diện đối không, đối hải, đối đất rất mạnh. Nó đã mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân Việt Nam từ gần bờ ra xa bờ, từ trên mặt nước xuống tận đáy biển.
Việc trang bị tàu ngầm Kilo đã khiến hải quân Việt Nam có một trang bị phòng thủ từ xa rất hữu hiệu, đảm bảo khả năng khống chế những vùng biển rộng hơn mà không cần tăng cường quá nhiều tàu mặt nước, giúp hải quân Việt Nam có đủ khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển từ xa.
Nhờ những hợp đồng ký với Nga, Việt Nam đã nhận được hai tổ hợp tên lửa cơ động bảo vệ bờ biển K-300P Bastion-P, sử dụng tên lửa hành trình chống hạm P-800 Yakhont (SS-N-26). Mỗi tổ hợp khả năng bảo vệ cho 600 km bờ biển và kiểm soát vùng biển 200.000 km2, góp phần bảo vệ vững chắc dải bờ biển dài của đất nước.
Tuy nhiên, 2 hệ thống K-300P có thể sẽ không lấp đầy các vùng giao cắt dọc bờ biển quanh co khúc khuỷu của Việt Nam. Bởi vậy, việc Nga và Việt Nam ký hợp đồng sản xuất tên lửa Kh-35E có thể là sự bổ sung quý báu cho lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam, với hệ thống Bal-E, sử dụng phiên bản tên lửa bờ đối hạm Kh-35UE.
Tiềm năng hợp tác giữa Nga và Việt Nam còn rất lớn
Các chuyên gia Nga khẳng định, trên thế giới vẫn còn có một số nước không từ bất cứ thủ đoạn nào để bành trướng những lợi ích riêng của họ, thì điều cực kỳ quan trọng là làm sao đảm bảo rằng quốc gia luôn có khả năng bảo vệ chủ quyền của mình. Và Nga sẵn sàng chia sẻ kiến thức cũng như công nghệ của mình cho các đối tác chiến lược ở châu Á.
Chuyên gia Nga Igor Korotchenko cho rằng Việt Nam vẫn là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật ở Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã hợp tác toàn diện với Nga trong phát triển trang bị cho tất cả các quân, binh chủng.
Ông Igor Korotchenko nhận định: “Hợp tác thương mại quân sự-kỹ thuật của Nga và Việt Nam có triển vọng tốt đẹp và rõ ràng là còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Bởi việc mua một số hệ thống vũ khí riêng biệt cũng đồng nghĩa là tạo cơ sở cho những hợp đồng mới”.
Vị chuyên gia này lấy ví dụ như mua tàu ngầm còn phải xét đến hệ thống trang bị cho căn cứ và phương tiện bảo vệ, bố phòng dành cho những điểm neo đậu tàu ngầm. Ngoài ra, cũng phải xây dựng trung tâm chỉ huy, liên lạc, đảm bảo truyền đạt mệnh lệnh chỉ huy đến tàu thuyền đang trên hành trình tuần tra chiến đấu.
Hay về phòng không, theo quan điểm của ông Korotchenko, Việt Nam đã bắt đầu chiến lược cải tổ nghiêm túc cơ cấu quân sự của nước mình. Trong đó, Hà Nội dành những ưu ái đặc biệt cho sự tham gia của Moscow vào khâu hiện đại hóa các hệ thống tên lửa phòng không thế hệ cũ, do Liên Xô cung cấp trước đây.
Nhằm bổ sung năng lực tác chiến cho hệ thống tên lửa phòng không “S-300 PMU1″ đã mua của Nga, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục mở rộng khả năng của hệ thống phòng không tổng hợp hiện đại, như tăng cường thêm những hệ thống phòng không bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình rất tốt như Pantsir-S1.
Ngoài ra, binh chủng tăng- thiết giáp thuộc lực lượng lục quân Việt Nam có thực lực còn yếu, trang bị chủ yếu là các xe tăng-thiết giáp Liên Xô, chế tạo từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Việc mua sắm mới hay nâng cấp chúng cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Nga và Việt Nam.
Ông Igor Korotchenko đánh giá, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự và xuất khẩu vũ khí. Hiện nay, Nga đang gia tăng liên tục các cuộc tiếp xúc, tạo đà ký kết thêm nhiều thỏa thuận mới để đối tác Việt Nam nhận được những vũ khí hạng nhất từ Nga.
Ông cho rằng, đây là điểm cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng nóng lên do các nước đang ồ ạt đầu tư trang bị quân sự hiện đại và những tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực vì thềm lục địa hàm chứa hydrocarbon (dầu thô), cùng với vùng biển đảo phong phú tài nguyên.
Vị chuyên gia Nga kết luận rằng, hợp tác quốc phòng với Nga, Việt Nam sẽ được trao đầy đủ các vũ khí, trang bị tốt nhất để có đủ thực lực bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nguồn vũ khí cung cấp từ Nga sẽ là yếu tố quan trọng, giúp Việt Nam vững tin khi đối phó với bất kỳ diễn biến xấu nào.
(Theo Đất Việt)
- Vũ khí Việt Nam tự sản xuất theo công nghệ hiện đạiNgày 28 tháng 02 năm 2015, Lúc 16:25
- Nga cung cấp hơn 4,5 tỉ USD vũ khí cho Việt NamNgày 28 tháng 02 năm 2015, Lúc 16:23
- Những vũ khí Việt Nam sẽ nhận trong năm 2015Ngày 28 tháng 02 năm 2015, Lúc 16:21
- Xem các loại tàu hiện đại của Cảnh sát biển Việt NamNgày 28 tháng 02 năm 2015, Lúc 16:19