Bản tin thị trường

Thuyền trưởng Việt Nam: Những dấu ấn không phai mờ

Lúc 02/03/2015

"Không có sự cống hiến của thuyền viên thì một nửa thế giới chìm đắm trong buốt giá và một nửa còn lại sống trong đói nghèo" – Đó là lời ngợi ca những cống hiến to lớn của thuyền viên trên thế giới, trong đó có thuyền viên Việt Nam.

Kể từ Số tháng 11/2014, Tạp chí Hàng hải Việt Nam giới thiệu các bài viết liên quan đến chủ đề “Thuyền trưởng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Hàng hải Việt Nam”, do thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hà biên soạn. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Sau khi đất nước thống nhất, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường biển quyết tâm mở rộng thương trường, mạnh dạn khai thác các tuyến vận tải biển quốc tế, phát triển đội tàu viễn dương, từng bước hội nhập ngành Hàng hải quốc tế.

Hơn nửa thế kỷ qua, trên hành tinh của chúng ta đã có biết bao con tàu của ngành Vận tải biển Việt Nam, trọng tải lớn, trang thiết bị đầy đủ, phù hợp với các công ước quốc tế về khai thác an toàn và ngăn ngừa ô nhiễm, mở đường vượt các đại dương vận chuyển hàng hóa, góp phần quan trọng vào công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. 

Nhằm tôn vinh truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, xin ghi lại đây dấu ấn những người mở đường vượt các đại dương đến các cảng của các châu lục trên thế giới:

+ Năm 1958, thuyền trưởng Nguyễn Y Nết cùng sỹ quan thuyền viên (SQTV) tàu Hữu Nghị - 750 DWT, vượt vịnh Bắc Bộ, qua eo biển Hải Nam, mở đường đến Quảng Châu – Trung Quốc.

+ Năm 1962, thuyền trưởng Trần Văn Hoài cùng SQTV tàu Hữu Nghị - 750 DWT, vượt vịnh Bắc Bộ, qua eo biển Hải Nam, mở đường đến Hongkong. Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ xuống cầu cảng Hải Phòng tiễn đưa.

+ Năm 1974, thuyền trưởng Đặng Văn Qua cùng SQTV tàu Hồng Hà - 4.000 DWT, vượt Biển Đông qua Balintang Channel, mở đường đến Tokyo – Nhật Bản. Sau khi hoàn thành chuyến đi an toàn tốt đẹp, trở về Việt Nam được Bác Tôn tặng lẵng hoa.

+ Tháng 5/1975, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm cùng SQTV tàu Sông Hương - 10.000 DWT, từ vịnh Hạ Long chạy thẳng đến Vũng Tàu, mở đường vào cảng Sài Gòn ngay sau khi Sài Gòn vừa được giải phóng.          

+ Tháng 9/1975, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hà cùng SQTV tiếp quản tàu chở dầu Cửu Long 01 - 20.000 DWT, mở đường từ Rotterdam-Hà Lan về Địa Trung Hải, ghé cảng Porto Torres-Italy lấy xăng dầu, sau đó qua kênh đào Suez, vượt Hồng Hải, Ấn Độ Dương, ghé Singapore, về Việt Nam. Khi tàu về thả neo ở vịnh Hạ Long an toàn thắng lợi, Bộ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên đã lên thăm tàu và khích lệ thuyền viên.

+ Tháng 10/1975, thuyền trưởng Đặng Văn Qua cùng SQTV tiếp quản tàu chở khách Thống Nhất, mở đường từ Oslo-Nauy, vượt Bắc Đại Tây Dương, về Địa Trung Hải, qua kênh đào Suez, vượt Hồng Hải và Ấn Độ Dương về Việt Nam.

+ Tháng 9/1977, thuyền trưởng Trần Khánh Dư cùng SQTV tiếp nhận tàu đóng mới “Ro-Ro” Hậu Giang - 12.800 DWT, mở đường từ Copenhagen-Đan Mạch, vượt biển Baltic, đến cảng Skelleftehamn-Thụy Điển, lấy hàng, sau đó vượt Bắc Đại Tây Dương, Địa Trung Hải,qua Suez, vượt Ấn Độ Dương, về Việt Nam.

+ Năm 1977, thuyền trưởng Trần Chu Đỉnh cùng thuyền trưởng Nguyễn Hiếu và SQTV tàu Sông Chu - 10.200 DWT chở than từ Việt Nam, mở đường đến cảng Brisbane-Australia (Úc).

+ Năm 1977, thuyền trưởng Nguyễn Đình Từ cùng SQTV tàu Univer Star - 12.800 DWT, mở đường đến cảng Marseilles-Pháp.

+ Năm 1978, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hà cùng SQTV tàu Hậu Giang - 12.800 DWT chở đường từ Việt Nam, mở đường đến cảng Alexandria-Ai Cập trả hàng. Sau đó tiếp tục vượt Địa Trung Hải, qua các eo biển Dardanelles, Bosphorus, vào Hắc Hải, mở đường đến cảng Constanza-Rumania, nhận hàng về Việt Nam.

+ Năm 1979, thuyền trưởng Phạm Minh Đường cùng SQTV tiếp nhận tàu đóng mới Sông Đuống - 15.210 DWT, mở đường từ Sunderland-New Castton vượt Bắc Đại Tây Dương, vào biển Baltic đến cảng Rostock-Cộng hòa Dân chủ Đức, lấy hàng về Việt Nam.

+ Đặc biệt, năm 1982, thuyền trưởng Nguyễn Đình Từ cùng SQTV tàu Thái Bình - 15.210 DWT, vận chuyển gạo từ Việt Nam, vượt Nam Ấn Độ Dương, qua cực Nam châu Phi và mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) mở đường đến Ivory Coast-Tây Phi. Sau đó vượt Nam Đại Tây Dương mở đường đến Cuba nhận hàng, rồi từ Cuba đưa tàu qua kênh đào Panama vượt Thái Bình Dương về Nhật Bản trả hàng và quay về Việt Nam, thực hiện chuyến đi một vòng trái đất từ Tây sang Đông.

Lần đầu tiên trong lịch sử hàng hải Việt Nam có một con tàu Việt Nam, do thuyền trưởng và SQTV Việt Nam quản lý, vận hành, đi vòng quanh trái đất.

+ Năm 1991, thuyền trưởng Nguyễn Đình Từ cùng SQTV tàu Scotain Epress của Vitranschart - 15.135 DWT, vượt hai đại dương là Nam Ấn Độ Dương và Nam Đại Tây Dương mở đường đến Paranagua-Brazil.

+ Năm 1992, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hà cùng SQTV tàu Fareast – 15.175 DWT, mở đường đến New Zealand và nhiều cảng của các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương như: Marshall, Kiribati, Nauru, Tavalu, Vaunatu, Fiji, New Caledonia, Norfolk Island, Samoa, Tahiti.

+ Năm 1992, thuyền trưởng Nguyễn Minh Thuyết cùng SQTV tiếp nhận tàu Bình Chánh của Saigonship – 1.100 DWT, 22 tuổi, trang thiết bị cũ, phương tiện thông tin liên lạc chỉ có VHF, đã dũng cảm khởi hành từ Marseilles-Pháp, qua Suez, về TP. Hồ Chí Minh an toàn thắng lợi.

+ Năm 2001, thuyền trưởng Nguyễn Hổ, cùng SQTV tàu Phương Đông 3 - 15.147 DWT, từ Việt Nam, vượt Ấn Độ Dương, qua Suez, qua Địa Trung Hải, vượt Bắc Đại Tây Dương, qua kênh Kiel vào biển Baltic, rẽ sóng phá băng, chạy trong băng, mở đường đến St. Petersburg. Lần đầu tiên trong lịch sử hàng hải Việt Nam, có một con tàu Việt Nam do thuyền trưởng và SQTV Việt Nam điều khiển đã “hành hải trong băng”.

+ Đặc biệt, cuối năm 2009, thuyền trưởng Đỗ Mạnh Hùng cùng SQTV tàu Inlaco Bright (INLACO SAIGON) - 23.527 DWT, đã thực hiện một chuyến đi vòng quanh thế giới khép kín, độc đáo, vượt qua 3 đại dương: Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương; chạy qua 2 kênh đào: Panama và Suez; 5 eo biển: Malacca, La Perouce, Gibraltar, Dardanelles, Bosphorus;  đến 11 cảng của 8 nước: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Mỹ, Canada, Ý, Ukraine và quay lại Ấn Độ. Đặc biệt, trên đường chạy về cảng Krishnapatnam-Ấn Độ, tàu phải vượt qua vùng cướp biển Somalia trong giai đoạn cướp biển đang hoạt động mạnh.

Chuyến đi của tàu Inlaco Bright vượt qua khoảng 28.200 hải lý, mất 4 tháng 18 ngày. Trên đường vượt Thái Bình Dương, tàu đã phải tìm cách đổi hướng để tránh bão mạnh ở Bắc Thái Bình Dương. Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Đỗ Mạnh Hùng, toàn thể SQTV trên tàu đã làm việc có trách nhiệm, lao động mẫn cán, bảo quản bảo dưỡng tàu tốt, bảo vệ, vận chuyển và giao nhận hàng hóa ở nhiều cảng đầy đủ, đảm bảo chất lượng, không có tranh chấp, duy trì thực hiện và tổ chức huấn luyện đầy đủ các quy trình về quản lý an toàn và an ninh nên không bị sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển (PSCO) của các cảng hoặc lực lượng phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ lưu giữ tàu. Có thể nói, chuyến đi của tàu Inlaco Bright là một chuyến đi “An toàn, trọn vẹn”.

Nhiều thế hệ thuyền trưởng Việt Nam không chỉ điều hành, quản lý những con tàu vượt đại dương làm giàu cho đất nước, mà đã và đang nắm giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt và trọng yếu trong các cơ quan nhà nước, trong các cơ sở đào tạo hàng hải, các tập đoàn, các tổng công ty…

+ Cố thuyền trưởng Đào Văn Quang (1914-1984), Trưởng ban Phòng thủ Chiến khu D, miền Đông Nam Bộ; Trung đoàn phó Trung đoàn 310 – Khu 7 Nam Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1956, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Quốc doanh vận tải sông biển Hải Phòng, Cục phó Cục Vận tải đường biển, Hiệu trưởng Trường Hàng hải Việt Nam, Vụ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Chính phủ CMLT CHMN Việt Nam tại CHDC Đức, Vụ trưởng Vụ châu Âu I của Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam.

+ Cố thuyền trưởng Nguyễn Văn Quế (1916-1983), thủy quân Sông Lô, cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam được tham gia tiếp quản TP. Hải Phòng và đảo Bạch Long Vĩ; người thuyền trưởng được Bộ GTVT giao trách nhiệm thành lập Trường Hàng hải đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; nguyên Phó hiệu trưởng Trường Hàng hải Việt Nam; cán bộ hàng hải góp phần xây dựng Cục Đăng kiểm Việt Nam; thuyền trưởng tàu chở khách Thống Nhất khi mới tiếp nhận. Ông là người thầy đã có công đào tạo nhiều thế hệ thuyền trưởng Việt Nam, trong đó có những thuyền trưởng viễn dương xuất sắc.

+ Cố thuyền trưởng Đặng Văn Qua (1924-1997), cán bộ của Phòng Hàng hải Nam Bộ, tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực tuyến Bắc Nam hoặc từ nước ngoài về chiến trường Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân xâm lược. Năm 1947, ông là cán bộ được tháp tùng bà Nguyễn Thị Định và đoàn đại biểu miền Nam ra Bắc báo cáo tình hình chiến trường Nam Bộ với Bác Hồ và Trung ương Đảng. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc; là thuyền trưởng đưa tàu Hồng Hà mở đường sang Nhật Bản, là thuyền trưởng tiếp nhận tàu chở khách Thống Nhất từ Oslo-Nauy về Việt Nam; là đại biểu Quốc hội Khóa V (1975-1976), Hiệu trưởng Trường Hàng hải Việt Nam, Cục phó Cục Vận tải đường biển, Tổng cục phó Tổng cục Đường biển.

+ Cố thuyền trưởng Phạm Đình Vượng (1931-1996), từ 1956 đến 1976 là Trưởng khoa Lái, Trường Hàng hải Việt Nam. Từ 1976 đến 1978, ông là thuyền trưởng “Tàu hút số 8” thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải. Từ 1978 đến 1991, ông là chuyên viên Phòng Pháp chế Tổng cục Đường biển. Ông là người thầy đã góp công đào tạo nhiều thế hệ thuyền trưởng, trong đó có những thuyền trưởng viễn dương xuất sắc.

+ Cố thuyền trưởng Trần Xuân Nhơn (1932-2004), tốt nghiệp Trường Hàng hải Gdynia – Ba Lan; tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam; công tác tại Vụ Pháp chế Bộ GTVT. Ông là thuyền trưởng tiếp nhận tàu Lục Nam của VOSCO, 15.210 DWT, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường biển Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hàng hải Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Thuyền trưởng Việt Nam (nhiệm kỳ 2000-2002).

Danh mục

Hỗ trợ online

Quảng cáo

Thống kê

Đang truy cập:  0
Hôm nay:  199
Tháng hiện tại:  9348
Tổng lượt truy cập: {total_visit}