Bản tin thị trường

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Con đường huyền thoại

Lúc 02/03/2015

22h10 ngày 11/10/1962, chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí xuất phát từ bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng) đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) thành công, đánh dấu cho việc mở đường thắng lợi. Cán bộ, chiến sỹ Đoàn tàu không số đã vô cùng anh dũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên biển, khai thông tuyến đường vận chuyển chiến lược - con đường có một không hai trên thế giới.

Mở tuyến đường lịch sử

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam, năm 1959, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định nghiên cứu mở tuyến đường vận tải trên biển chi viện trực tiếp cho Quân giải phóng miền Nam. Võ Bẩm, người đầu tiên được truyền đạt chủ trương và giao nhiệm vụ này cũng chính là người đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559, là người có kinh nghiệm mở đường vận tải xuyên Trường Sơn trong chiến tranh Đông Dương. Ông đã từng chỉ huy tàu gỗ vượt biển chở vũ khí mua từ nước ngoài về chi viện cho chiến trường Khu V...

Tháng 7/1959, Tiểu đoàn vận tải biển 603 được thành lập, đóng tại cửa biển sông Gianh - Quảng Bình với tên gọi Tập đoàn đánh cá Sông Gianh. Thuyền được ngụy trang giống thuyền đánh cá của ngư dân miền Nam. Sau một thời gian tập luyện, thăm dò và chuẩn bị mọi mặt, đêm 30 Tết Canh Tý (ngày 27/01/1960), chuyến tàu đặc biệt đầu tiên xuất phát, gồm 6 người, do Nguyễn Bất chỉ huy đã đi chuyến đầu tiên vào Nam. Trong suốt quá trình tồn tại, đường Hồ Chí Minh trên biển có 2.000 lượt tàu thuyền vượt biển, vận chuyển gần 160 nghìn tấn vũ khí, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc ta.

Mỗi chuyến đi vận chuyển vũ khí vào miền Nam của tàu không số là cuộc đối đầu, đấu trí, đấu lực giữa những con tàu nhỏ bé với lực lượng dày đặc Hải quân Hạm đội 7 của Mỹ, Hải quân Ngụy Sài Gòn, phòng tuyến cảnh giới lục soát của hệ thống rađa đối hải quét dọc bờ biển từ Cửa Việt đến Hà Tiên và các đồn bốt, trạm kiểm soát cửa ngõ luồng lạch ven biển của địch... Trước mỗi chuyến đi, 

    

Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển

Chiến công có một không hai

Tháng 6/1964, tàu 42 chở theo 60 tấn vũ khí đã thực hiện chuyến đi đầu tiên của mình từ bến K15 và cập bến Vàm Lũng an toàn. Đến tháng 11 cùng năm đó, tàu 42 tiếp tục nhận được lệnh chở vũ khí vào Cà Mau. Vừa rời K15 Đồ Sơn, thì gió mùa Đông Bắc tràn xuống, sóng to gió lớn khiến nhiều thủy thủ say sóng. Nhưng sau 5 ngày hành trình, chuyến tàu vẫn vào Cà Mau giao hàng trót lọt. Tuy nhiên, lúc quay ra, khi tàu gần đến quần đảo Trường Sa thì gặp bão. Tới tấp những con sóng cao 2-3m hất con tàu lên rồi lại nhấn xuống, nhiều lúc tàu “vặn mình” răng rắc như muốn vỡ tung. Cứ thế mấy ngày đêm liền, tàu 42 tả tơi hứng trọn cơn bão biển kinh hoàng, nhưng cuối cùng tất cả cũng qua.

Sau sự kiện Vũng Rô, từ tháng 02 đến tháng 10/1965, Đoàn 125 tổ chức nhiều chuyến đi, nhưng đều không đưa được hàng vào chiến trường.

Trước tình hình này, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Quân chủng và Đoàn 125 tìm phương thức vận chuyển mới. Đoàn 125 đã chọn tàu 42 thực hiện chuyến đi tái mở đường. Sau 3 tháng chuẩn bị, tàu 42 với nước sơn mới màu ngọc bích, cải trang thành tàu đánh cá và khởi hành lúc 22 giờ ngày 15/10/1965. Đến quần đảo Bầy Sư, tàu vừa chuyển hướng theo kế hoạch thì gặp tàu khu trục Hạm đội 7 của Mỹ trên biển và máy bay trinh sát quần thảo trên không. Tàu tiến đến Hòn Khoai vẫn bị bám theo. Trước tình huống không an toàn ấy, tàu quyết định chuyển hướng về phía Bắc Philippines. Đi được khoảng 20 hải lý, thì cả tàu khu trục và máy bay Mỹ đều chuyển hướng. Tuy vậy, tàu vẫn giả vờ đánh lưới và câu cá quanh đảo phía Bắc Philippines. Sau 4 ngày đêm thấy êm, tàu 42 mới chuyển hướng, về gần tới Cà Mau thì bắt được liên lạc và chuyển vũ khí tại rạch Kiến Vàng an toàn.

Vậy là sau 8 tháng vắng bóng, những con tàu không số của Đoàn 125, tàu 42 đã tái lập lại đường Hồ Chí Minh trên biển, tiếp tục chở vũ khí chi viện cho quân giải phóng. Tàu 42 đã mang cả quyết tâm của Trung ương, miền Bắc với cách mạng miền Nam trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, gian khổ, được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đoàn 125 đánh giá rất cao.

Do địch tuần tra “vít chặt” các cửa sông, bờ biển miền Nam, nên lần này, tàu 42 phải ở lại Cà Mau 5 tháng.

Ngày 13/3/1966, tàu 42 tiếp tục nhận được lệnh chở 60 tấn vũ khí vào chiến trường. Tàu đã trải qua gần 10 ngày vật lộn với sóng to, gió lớn, luồn lách tránh sự kiểm soát gắt gao của tàu địch, vượt qua mạng lưới rađa, nhiều lúc tưởng khó thoát khỏi sự nguy hiểm, phải chuyển rất nhiều hướng ngoài kế hoạch.

1 giờ ngày 22/3/1966, tàu cập bến Cà Mau, đang bốc hàng thì máy bay địch đến bắn phá. Mọi người ở bến vừa tranh thủ bốc hàng, chuyển hàng đến nơi an toàn, vừa đánh nghi binh, đảm bảo an toàn cho tàu và vũ khí. Đêm 11/4/1966, lợi dụng sơ hở của địch, tàu 42 táo bạo, khôn khéo lách qua những hàng rào phong tỏa của địch trở về Bắc an toàn.

19 giờ ngày 17/9/1969, tàu 154 được lệnh chở 58 tấn vũ khí vào Cà Mau. Qua gần 10 ngày lênh đênh trên biển, gặp nhiều tàu khu trục của Mỹ hoạt động, nhiều tàu buôn nước ngoài, nhưng tàu 154 vẫn tìm đủ mọi cách để luồn lách tránh địch, đưa hàng đến nơi an toàn rồi quay trở ra Bắc.

Ngày 24/8/1970, tàu 154 lại nhận kế hoạch chở 58 tấn vũ khí cho chiến trường miền Nam. Sau gần 1 tuần luồn lách tránh địch, tàu gần tới bờ thì trời sắp sáng nhưng lại không bắt được liên lạc với bến. Không còn đủ thời gian quay ra hải phận quốc tế, chỉ huy tàu thống nhất phương án vào bờ để giao vũ khí, nếu bị phát hiện, phải chiến đấu thì hủy tàu. Đến 7h30, vừa ngụy trang xong tàu thì có máy bay trinh sát OB-10 quần thảo. Bốc hàng giữa ban ngày dễ bị lộ, nên tàu 154 phải đợi tối về bến Vàm Hố giao hàng. Sau chuyến đi táo bạo này, tàu 154 được tặng thưởng Huân chương và cán bộ, chiến sỹ trên tàu được Bác Hồ gửi tặng thuốc lá…

Trong suốt 14 năm liên tục (từ năm 1961 cho đến ngày toàn thắng lịch sử 30/4/1975), Đoàn tàu không số đã dệt nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng, đưa hàng trăm nghìn tấn vũ khí, hàng hóa vào các chiến trường xa - nơi mà tuyến vận tải chiến lược đường bộ chưa vươn tới, với một số lượng vũ khí còn lớn hơn cả số đưa vào bằng đường bộ trong cùng một thời gian. Tổng cộng, Đoàn 125 đã huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sỹ từ Bắc vào Nam. Những con tàu ấy đã vượt hàng ngàn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi với hơn 20 cơn bão, chiến đấu trên 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua các cuộc hành trình trên biển của Đoàn tàu không số, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh anh dũng, nằm lại giữa lòng biển bao la để bảo vệ an toàn cho Đoàn tàu không số và con đường huyền thoại. Đất nước và dân tộc ta sẽ mãi mãi ghi ơn các anh, cũng như huyền thoại về Đoàn tàu không số và Đường Hồ Chí Minh trên biển - bản hùng ca của sự sáng tạo và ý chí Việt Nam.

Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, vùng biển đảo thuộc chủ quyền của đất nước được trải dài với diện tích khoảng trên 1 triệu km2, cùng hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh-quốc phòng. Vì vậy, việc nghiên cứu, kế thừa và phát huy những bài học và những kinh nghiệm vô cùng quý báu của Đoàn tàu không số và Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn nguyên giá trị và rất cần thiết, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay.

T.C (Tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu)

Danh mục

Hỗ trợ online

Quảng cáo

Thống kê

Đang truy cập:  0
Hôm nay:  208
Tháng hiện tại:  9357
Tổng lượt truy cập: {total_visit}