Bản tin thị trường

Các mô hình quản lý cảng biển trên thế giới

Lúc 03/04/2015

Để có căn cứ xem xét, lựa chọn và đề xuất áp dụng mô hình quản lý và tổ chức quản lý cảng biển tại VN nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác cảng biển, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là nghiên cứu nội dung, mô hình quản lý và tổ chức quản lý cảng biển phổ biến trên thế giới. Vậy cảng biển thế giới hiện nay có những mô hình nào?

Có thể nói, hiện nay trên thế giới có 4 mô hình quản lý cảng phổ biến, cụ thể:

MÔ HÌNH CẢNG DỊCH VỤ (PUBLIC SERVICE PORT)

Theo mô hình cảng dịch vụ, Nhà nước sở hữu toàn bộ đất đai và vùng nước cảng biển, Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển, nhà xưởng, kho bãi, cần cẩu, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa và trực tiếp quản lý nguồn nhân lực thực hiện dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển, lưu kho bãi và phần lớn các dịch vụ phụ trợ khác.

Mô hình này có ưu điểm là toàn bộ các công việc từ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng kho bãi, mua sắm trang thiết bị, và bốc dỡ hàng hóa, lưu kho bãi đều do một tổ chức Nhà nước chịu trách nhiệm, bảo đảm tính tập trung, thống nhất trong hoạt động, điều hành.

Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là thụ động, không linh hoạt trong đầu tư xây dựng và khai thác cảng; không nhạy bén và khó giải quyết nhanh chóng, kịp thời đối với các vấn đề phát sinh xảy ra; Không có sự tham gia của thành phần tư nhân nên không tận dụng được những khả năng và ưu thế vốn có của thành phần này; Hạn chế về vốn đầu tư xây dựng và hiện đại hóa trang thiết bị cũng như áp dụng các quy trình tiên tiến, linh hoạt trong quản lý khai thác cảng do phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước; Thiếu tính cạnh tranh quốc tế, dẫn tới kém hiệu quả trong đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác cảng. Việc khai thác không có định hướng thị trường và thiếu sự đổi mới. 

MÔ HÌNH CẢNG CÔNG CỤ (TOOL PORT)

Theo mô hình cảng công cụ, Nhà nước sở hữu đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng cầu bến cảng, nhà xưởng, kho bãi; đầu tư mua sắm các thiết bị chính phục vụ khai thác cảng như cần cầu. Nguồn nhân lực và cung cấp dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, lưu kho bãi do tổ chức tư nhân đảm nhiệm; dịch vụ hỗ trợ khác do cả nhà nước và tư nhân thực hiện.

Mô hình này có ưu điểm là do việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và mua sắm thiết bị chính do một cơ quan nhà nước quyết định và cung cấp nên tránh được việc đầu tư trùng lặp thiết bị. Tuy nhiên vẫn có nhược điểm là dễ gây xung đột giữa Nhà nước và tư nhân; do tổ chức tư nhân không sở hữu các thiết bị chủ yếu nên cũng không có xu hướng phát triển thành công ty. Điều này gây nên sự mất ổn định và hạn chế mở rộng doanh nghiệp trong tương lai. Mặt khác mô hình này cũng có nguy cơ đầu tư không hiệu quả và thiếu sự đổi mới.   

MÔ HÌNH CHỦ CẢNG (Landlord port)

Theo mô hình chủ cảng, Nhà nước sở hữu toàn bộ đất đai và vùng nước trong cảng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cầu bến cảng biển; tổ chức tư nhân được thuê kết cấu hạ tầng cầu bến cảng để xây dựng kho bãi, đầu tư toàn bộ trang thiết bị và thực hiện dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển, lưu kho bãi. Các dịch vụ hỗ trợ khác do cả nhà nước và tư nhân cung cấp.

Mô hình này có ưu điểm là tổ chức tư nhân khai thác chuyên tâm hơn do có hợp đồng dài hạn, ổn định và được quyền chủ động đầu tư trang thiết bị cần thiết cho hoạt động của mình. Mặt khác, nhà khai thác tư nhân thường nhạy bén, linh hoạt hơn và có khả năng đáp ứng thị trường tốt hơn.

Nhược điểm của mô hình này là có thể xảy ra nguy cơ vượt quá công suất do áp lực của những nhà khai thác tư nhân cũng như nguy cơ phán đoán nhầm thời gian thích hợp để tăng thêm công suất.   

MÔ HÌNH CẢNG TƯ NHÂN (PRIVATE PORT)

Trong mô hình cảng tư nhân, tổ chức tư nhân được quyền sở hữu toàn bộ đất đai, vùng nước trong cảng, tự đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cầu, bến cảng biển, nhà xưởng, kho bãi và mua sắm trang thiết bị; quản lý nguồn nhân lực thực hiện dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển, lưu kho bãi và cung cấp phần lớn các dịch vụ hỗ trợ khác.

Mô hình này có ưu điểm là tạo được tối đa tính linh hoạt trong đầu tư xây dựng và khai thác cảng; không có sự can thiệp trực tiếp từ phía Chính phủ; Quyền sở hữu đất cảng cho phép chủ động phát triển cảng theo định hướng của thị trường và trong xây dựng chính sách biểu giá của cảng. Trong trường hợp tái phát triển, nhà khai thác cảng tư nhân có khả năng thu được giá cao trong việc bán đất xây dựng cảng. Mặt khác, vị trí chiến lược của khu vực đất cảng cũng có thể tạo cơ hội cho phép nhà khai thác tư nhân mở rộng phạm vi kinh doanh của mình.

Nhược điểm của mô hình là có nguy có phát sinh hành vi độc quyền; Chính quyền (trung ương hoặc địa phương) mất đi khả năng thực thi các chính sách kinh tế dài hạn trong kinh doanh khai thác cảng. Trong trường hợp cần thiết phải xây dựng lại khu vực cảng, Chính phủ phải chịu chi phí tốn kém mới mua lại được vùng đất đó. Ngoài ra, các chủ sở hữu tư nhân cũng có thể đầu cơ đất đai ở cảng, gây ra những rủi ro cho Chính phủ. 

Danh mục

Hỗ trợ online

Quảng cáo

Thống kê

Đang truy cập:  0
Hôm nay:  177
Tháng hiện tại:  9678
Tổng lượt truy cập: {total_visit}